Việc Trường THPT Kiến Thụy (Hải Phòng) mới đây ra đề thi học sinh giỏi Văn lớp 11 có dữ liệu liên quan đến hiện tượng “Khá Bảnh”, theo tôi, là đỉnh điểm cẩu thả trong khâu xây dựng, thiết kế đề thi. Nhưng thực ra, trước đó, cũng có khá nhiều đề Văn có chung đặc điểm phản giáo dục.

1. Trong cấu trúc đề Văn ở bậc trung học cơ sở và phổ thông hiện nay, phần “đọc hiểu văn bản” và “nghị luận xã hội” thường cho phép giáo viên lựa chọn dữ liệu, vấn đề ngoài sách giáo khoa, nhất là những vấn đề thời sự, đời sống xã hội gần gũi với học sinh. Điều tưởng chừng là cơ hội để làm mới đề thi này, oái oăm thay, lại dành đất cho sự nóng vội, thiếu suy xét nhiều chiều.

Ở trường hợp đề thi của Trường PTTH Kiến Thụy chẳng hạn, mặc dù dữ liệu đưa ra là một bài báo nhưng nhân vật được nhắc đến trong bài báo lại là “Khá Bảnh”, sản phẩm lệch lạc của truyền thông thiên về bạo lực, phá bĩnh, thô tục, phản cảm. Yêu cầu “viết bài văn” về hiện tượng này, dĩ nhiên hàm ý phê phán, nhưng từ chỗ muốn ngăn chặn, ngăn ngừa tái lặp hiện tượng xấu, tôi đồ rằng từ khóa “Khá Bảnh” sẽ được nhân lên gấp bội. Không gì kéo dài cơn hỏa hoạn bằng một trận gió, kể cả gió lành!

Trước đó, trong đề thi học sinh giỏi Văn của thành phố Hải Phòng năm học 2013-2014, thổ lộ của người mẫu Ngọc Trinh (“yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn à?”) và của hotgirl “Bà Tưng” (“tôi mơ ước có nhiều đại gia, nhiều người giàu quan tâm đến mình, cho tôi thật nhiều tiền”) được dùng làm dữ liệu để “viết một bài văn” về chủ đề: “Tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của cô gái trẻ”. Quả thực, tôi đã đọc rất kĩ đề thi này, đã dốc hết thiện cảm của mình cho hảo ý của người ra đề, nhưng vẫn không tài nào tìm thấy, hoặc ít ra, lờ mờ bám víu một móc xích liên quan nào giữa quan điểm của hai cô gái và chủ đề buộc phải nghị luận. “Tiến bộ xã hội” thách thức tất cả các sách vở, làm nhăn trán lẫn nhăn mặt bao bậc thức giả thì can hệ gì đến “ước mơ đại gia” của các cô gái trẻ xứ Việt? Sao không giản dị và thẳng thừng hỏi rằng “em có nhận xét gì” về tâm tư của Ngọc Trinh, “Bà Tưng” để học sinh dễ bề bỏ phiếu tán thành hay phản đối, để các dòng chữ tuổi trăng tròn trở nên đáng lưu tâm nếu lỡ thú nhận thà đầu tư “vòng một”, giảm thiểu “vòng hai” hơn là dày công đèn sách? Bi hài thay cho một đề Văn nghị luận tỏ vẻ nghiêm ngắn, đạo đức mà hớ hênh đến cả câu chữ. Cá nhân tôi, nếu đặt vào vị trí người viết bài, tôi không xấu hổ mà trình bày rằng, ước mơ có đại gia cho nhiều tiền cũng lành mạnh như khách bộ hành chờ mong bóng mát, còn “tiến bộ xã hội”, xin thưa, “em” chưa có kiến thức với tới!

Như để chứng minh đề thi Văn không nằm ngoài các tình cảm cộng đồng lớn lao, ngay sau sự kiện đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam thắng lớn ở giải Vô địch U23 châu Á (2018), một số đề Văn đã yêu cầu viết luận về chiến tích này. Trường THPT Nguyễn Huệ (Đại Từ, Thái Nguyên) đưa hai tấm ảnh màu (một ảnh ghi cách ăn mừng của cầu thủ Văn Thanh và một ảnh ghi cảnh cổ động viên ào ra đường) và yêu cầu “viết một bài văn nghị luận nêu cảm nhận sâu sắc của em về ý nghĩa của hai bức ảnh đó”. Tôi ủng hộ các đề thi Văn có hình ảnh (!), tôi cũng ủng hộ đề Văn đánh thức cảm xúc chân thật. Nhưng với đề này, tôi tự hỏi, liệu sẽ có bao nhiêu giọng điệu, cảm xúc riêng khác trong một mẫu số chung là tự hào, sung sướng, ngây ngất? Liệu có bao nhiêu tình cảm khác ngoài chắc suất nhất là yêu Tổ quốc, yêu những chàng trai thanh xuân rực rỡ và yêu cái cách cổ động viên, bất luận mọi khoảng cách, đều kề vai sát cánh khăng khít? Và nữa, liệu sẽ có e dè, ngần ngại nào rằng vì sợ cảnh tượng “ta ngã vật trong dòng người cuộn thác” mà chọn xem cờ vua, bơi lội thay vì bóng đá? Các thầy cô ra đề, chấm bài chờ đợi ở bài thi những lập luận, góc nhìn khác nhau hay hân hoan đón nhận các đáp án y chang mà mình biết tỏng? Giáo dục tình cảm công dân, cố nhiên, cần đến tự hào và cảm thức dân tộc, nhưng cũng nên cân nhắc bởi mọi cánh tay nếu phải khắc “sát Thát” thì đó việc bất đắc dĩ.

2. Nếu chạy theo các sự kiện/hiện tượng xã hội chưa đủ chứng tỏ tinh thần cập nhật thì một số đề Văn còn trưng các ca khúc được cho là “hot”, nằm sẵn trong bộ nhớ học sinh. Mới trong tháng này, trường THPT Trịnh Hoài Đức (Bình Dương) đã chọn dữ liệu là bài rap “Con trai cưng” của B Ray ft Masew cho phần đọc hiểu ở đề kiểm tra Văn lớp 10. Trước đó, đề khảo sát chất lượng Văn lớp 11 trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc (năm 2017) thì yêu cầu học sinh chỉ ra thông điệp trong bài hát “Lạc trôi” của Sơn Tùng M-TP. Vì không tin vào kiến văn hạn hẹp của mình, tôi đã phải hỏi đồng nghiệp về “phương thức biểu đạt”, “thông điệp muốn gửi tới” của đoạn ca từ này. Bạn tôi chỉ cười xòa. Cá nhân tôi đánh giá cao cách Sơn Tùng M-TP biến mình thành ngôi sao giải trí nhưng để ngẫm ngợi, tìm ra “thông điệp” trong ca khúc này của anh, quả thật, khó hơn việc giải mã một công án!

Đề kiểm tra chất lượng môn Văn lớp 11 của trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc (năm 2017) yêu cầu học sinh chỉ ra thông điệp trong bài hát “Lạc trôi” của Sơn Tùng M-TP.
Đề kiểm tra chất lượng môn Văn lớp 11 của trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc (năm 2017) yêu cầu học sinh chỉ ra thông điệp trong bài hát “Lạc trôi” của Sơn Tùng M-TP.

Một đoạn ca khúc khác của Sơn Tùng M-TP cũng xuất hiện trong đề thi Văn lớp 9 (Trường THCS Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình): “chạy theo đam mê con sợ quên đi quê hương. Quên mất một điều tuyệt vời con mãi là người con Thái Bình, là con bố mẹ”. Yêu cầu những học sinh quê lúa viết một bài văn về vấn đề gợi ra từ câu hát này, theo tôi, khác nào “con hát mẹ khen hay”. Tinh thần địa phương chủ nghĩa quan trọng trong nhiều tình huống nhưng riêng với giáo dục nhân văn, nhất là vào thời điểm này, rất nên tránh xoáy sâu vào tâm lí vùng miền. Cứ cho rằng học sinh đều khẳng định tình cảm quê hương, đều nhất tề bày tỏ máu mủ ruột thịt với bản quán - mà điều này cũng dễ hiểu thôi, nhưng đề thi Văn nhất thiết phải “cục bộ” một vài phân li mới sảng khoái?

3. Giải thích cho các đề thi Văn gây tranh cãi như trên, nhiều lãnh đạo trường/Sở Giáo dục thường lấy lí do rằng đặc thù của đề Văn là phải có tính mở, sát sườn, gần gũi với học sinh. Có vị còn quả quyết, muốn đánh giá đề có đúng đắn hay phản giáo dục, còn phải xem kết quả làm bài và ý kiến phản hồi của học sinh. Thoạt nghe rất hợp lí và gây không ít hi vọng một sự đổi mới trong công việc ra đề thi môn Văn. Nhưng quan niệm thế nào về tính mở, “mở” đến đâu thì khai phóng mà đến đâu thì thành ngõ cụt, nhầm lẫn? “Mở” trong đề Văn, trước tiên vẫn phải đảm bảo sự chính xác, khoa học và kế đó, ít nhất, là tính thẩm mĩ, nhân văn, giáo dục. “Mở” không có nghĩa là biến đề Văn thành một “rổ rá” để “cạp lại” các suy nghĩ, hiểu biết chủ quan, cảm tính của người ra đề.

Nếu bảo gần gũi, thời sự, chạy theo “trend” của giới trẻ mới được học sinh để mắt thì sao có biết bao sự kiện/hiện tượng/nhân vật xã hội rất “giàu vấn đề” để bàn luận lại không được chọn? Ngay trong thời điểm “Khá Bảnh” náo loạn truyền thông ấy, chuyện gian lận thi cử tày trời ở Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình không đáng để học sinh cấp 3, những người sắp tới phải thi tốt nghiệp, cho vài lời bình luận ư?

4. Các thiết chế giảng dạy văn chương ở nhà trường phổ thông, trong đó có đề Văn, xét đến cùng, cũng là một thông số nói lên thực trạng văn hóa xã hội. Cổ vũ, hùa theo hay làm ngơ trước các đề Văn cẩu thả, nhảm nhí, có lẽ, sẽ rút ngắn quãng đường đi tới khủng hoảng các giá trị giáo dục nhân văn cốt lõi.